Tương tự Tradingview, Forex Factory thực sự là 1 cuốn “bách khoa toàn thư” về thông tin và kiến thức mà bất cứ trader nào cũng cần. Nhưng buồn thay rất nhiều trader mặc định Forex Factory chỉ là nơi xem lịch Kinh Tế chứ không phải là nơi đục đẽo kiến thức khi muốn theo nghiệp trader. Vậy Forex Factory là gì? Làm sao sử dụng Forex Factory 1 cách hiệu quả nhất?

Forex Factory là gì?

Forex Factory là 1 website chuyên về tài chính, được nhiều trader xem như là 1 “bảo bối” sau Tradingview. Bởi nơi này gần như có tất cả mọi công cụ mà trader nào cũng cần như: diễn đàn (Forums), giao dịch (Trades), tin tức (News), lịch kinh tế (Calendar), thị trường (Market) và sàn giao dịch (Brokers).

Forex Factory

Forex Factory nổi tiếng đến mức không chỉ những cá nhân nhỏ lẻ, mà thậm chí có rất nhiều sàn giao dịch forex cũng lên đây để chinh chiến. Ngoài việc thuê đặt banner họ còn đăng những bài phân tích kỹ thuật, như là 1 cách để quảng bá tên tuổi sàn tới cho các trader khác.

Cấu tạo Forex Factory, Forex Factory có bao nhiêu phần?

Về cơ bản, Forex Factory có 3 phần mà trader quan tâm nhất chính là danh mục lịch kinh tế (Calendar), tin tức (News) và diễn đàn (Forum). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn 3 phần này 1 cách cụ thể nhất, để có thể sử dụng chúng, phục vụ cho công việc giao dịch forex của chính bản thân bạn.

Thực tế, rất nhiều trader không coi trọng tin tức lắm, thường chủ yếu giao dịch theo phân tích kỹ thuật. Nhưng lúc tin ra cũng là khi thị trường vô cùng biến động, vì thế cho dù sử dụng phương thức nào đi chăng nữa, việc biết lịch kinh tế, các sự kiện cụ thể để bảo toàn vốn, tránh rủi ro (vào những giờ đó trader sẽ đóng bớt lệnh chẳng hạn) cũng là 1 việc nên tham khảo.

Một trong những điểm khiến Forex Factory được đánh giá cao hơn so với nhiều website hàng đầu về forex khác, chính là điểm cho phép người dùng tùy biến một cách rất linh hoạt. Người dùng hoàn toàn có thể cá nhân hóa toàn bộ các thông tin, hay có thể cài đặt để xem những thứ họ mong muốn nhất, theo nhu cầu của họ.

Để tùy biến, các bạn cứ nhấn vào phần bên phải chỗ Setting hoặc phần trên đầu của mỗi danh mục có màu xanh trỏ xuống. Nhấn vào đó để tự thiết lập các thông tin như bạn muốn. Trong 3 phần giới thiệu dưới đây, chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn bạn cách tùy biến cho từng mục luôn, bạn nhé.

Hướng dẫn cách xem Forex Factory Calendar (lịch kinh tế)

Đây là phần được đánh giá cao nhất của Forex Factory. Và cho dù rất nhiều website đều có phần lịch kinh tế, nhưng gần như không 1 website nào có thể “vượt mặt” được Forex Factory. Vì thế, với nhiều trader, khi nhắc tới Forex Factory là họ sẽ nghĩ ngay tới chuyên mục này.

Để xem lịch kinh tế việc đầu tiên bạn cần làm chính là tạo 1 tài khoản tại Forex Factory. Công việc này rất đơn giản tới mức tối giản, chứ không cầu kỳ như nhiều website khác.

Đăng ký tài khoản tại Forex Factory

Thực ra, bạn cũng ko cần đăng ký tài khoản vẫn xem được toàn bộ thông tin có trên Forex Factory. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tùy biến theo ý muốn bản thân, việc đăng ký là điều bắt buộc, để toàn bộ thông tin sẽ được ghi nhớ và bạn không cần mất công thiết lập lại vào các lần sau.

Trước đây, trader sẽ phải tự chỉnh múi giờ trùng với múi giờ tại nơi đang sinh sống. Nhưng, với 1 số cải tiến mới hiện nay, khi đăng ký tài khoản dựa trên IP, Forex Factory sẽ tự động điều chỉnh theo đúng múi giờ nơi bạn sinh sống.

Để đăng ký tài khoản, bạn chỉ cần nhấn vào “Join” sau đó điền như hướng dẫn bên dưới. Forex Factory không yêu cầu phải xác minh tài khoản, nên ngay khi đăng ký xong, chỉ cần nhấn vào chữ “login” nằm ngay bên cạnh để đăng nhập vào.

Khi đã đăng nhập thành công, hãy kiểm tra xem giờ hiển thị trên Forex Factory có trùng với múi giờ nơi bạn đang sống không, bằng cách nhìn lên giờ nằm ngay cạnh tên đăng nhập.

Nếu chưa đúng, hãy nhấn ngay vào phần thời gian đó, điều chỉnh lại, rồi chọn “save setting” là xong.

Việc điều chỉnh múi giờ này hết sức quan trọng, để bạn có thể xem lịch kinh tế theo đúng thời gian thực tại. Do mặc định thời gian của Forex Factory sẽ là GMT -5, nên nếu không điều chỉnh đúng múi giờ, sẽ rất dễ bị nhầm giờ các sự kiện kinh tế chuẩn bị diễn ra.

Hoàn thành xong, tiếp tục nhấn vào dòng “Calendar” phía trên sẽ hiện ra toàn bộ thông tin lịch kinh tế như bên dưới:

Forex Factory Calendar được chia làm 2 phần chính: là thanh Sidebar và phần bảng tin nằm giữa nơi cung cấp toàn bộ các sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Phần Sidebar của Forex Factory Calendar

Ở đây sẽ có 3 phần nhỏ được Forex Factory trải đều từ trên xuống dưới cũng được chúng tôi đánh thứ tự như ảnh phía trên:

Phần 1: Bảng thời gian sự kiện diễn ra. Mặc định của Forex Factory sẽ là theo tuần, tuy nhiên bạn có thể nhìn ngay phía dưới cũng được website này chia nhỏ, để xem theo ngày (Today); ngày hôm qua (Yesterday); Tuần trước (Last Week); tháng trước (Last Month); ngày mai (Tomorrow); tuần kế tiếp (Next Week); tháng kế tiếp (Next Month); tuần này (This Week) cũng luôn được mặc định khi xem lịch kinh tế ở Forex Factory; tháng này (This Month) và cái cuối cùng sự kiện gì chuẩn bị diễn ra (Up Next). Bạn muốn xem thông tin nào thì hãy nhấn vào từng mục đó để xem cụ thể hơn bạn nhé.

Phần 2: chú giải của Factory về 1 số ký tự viết tắt, các màu sắc được hiển thị tại bảng tin. Bạn nên xem phần này kỹ, bởi Forex Factory cung cấp ý nghĩa của từng loại ký tự được sử dụng hoặc màu sắc cụ thể như: Màu xanh dùng để hiển thị cho các chỉ số được công bố tốt hơn so với chỉ báo được dự kiến. Màu đỏ sẽ là dữ liệu đưa ra xấu hơn so với con số dự kiến. Chúng tôi sẽ nói kỹ phần này tại phía sau và đây cũng là cái giúp trader “ăn tiền” khi muốn trade theo tin. Nên đừng bỏ qua bạn nhé!

Phần 3: Bao gồm lãi suất của các các ngân hàng trung ương trực thuộc 8 quốc gia lớn nhất thế giới. Forex Factory cũng sử dụng 2 loại màu sắc gồm màu xanh hiển thị cho lãi suất đã bị cắt giảm so với đợt trước đó, màu đỏ hiển thị lãi suất vẫn được giữ nguyên không thay đổi. Bạn có thể nhấn vào từng phần lãi suất đó để hiểu thêm thông tin về từng loại lãi suất, các tháng trước có mức như thế nào…

Bây giờ chúng ta sẽ tới phần thông tin quan trọng nhất của Forex Factory chính là phần lịch thông tin nằm chính giữa website.

Phần lịch sự kiện do Forex Factory cung cấp

Tại đây, bất cứ sự kiện gì kinh tế quan trọng nào diễn ra, đều được hiển thị đầy đủ. Nếu đã cài đặt thời gian theo múi giờ như chúng tôi hướng dẫn ở trên, thì giờ được hiển thị sẽ trùng với múi giờ nơi bạn sinh sống. Hãy đăng nhập vào Forex Factory, lưu cookie lại cho các lần hiển thị sau, nếu không giờ sẽ tự động chuyển đổi theo múi giờ của Forex Factory là GMT-5.

Như bạn nhìn thấy ở trên, có rất nhiều các sự kiện được diễn ra trong 1 ngày, trong số này không phải sự kiện nào bạn cũng cần quan tâm hay phục vụ cho việc giao dịch forex mỗi ngày. Vì lẽ đó, bạn nên loại bộ bớt các thông tin không cần thiết bằng cách sử dụng bộ lọc do Forex Factory cung cấp khi nhấn vào chữ “Filter” phía trên, để xuất hiện 1 bộ lọc với 3 thông tin cơ bản bao gồm:

Expected Impact (tạm dịch: tác động dự kiến) đây là nơi Forex Factory dùng để đánh giá ảnh hưởng của tin tức đó với thị trường forex sẽ như thế nào bằng cách sử dụng 3 màu sắc gồm: màu đỏ, màu cam và màu vàng. Riêng màu xám bạn thấy trong hình thể hiện các sự kiện không liên quan tới kinh tế như lịch trình nghỉ lễ của 1 quốc gia nào đó chẳng hạn.

Ba màu còn lại màu có sức ảnh hưởng lớn nhất và quan trọng nhất chính là màu đỏ. Vì thế, bạn có thể tùy biến chỗ này bằng cách lựa chọn hiển thị các tin màu đỏ mà thôi, các màu sắc còn lại sẽ bị ẩn đi, không cần thiết phải hiện ra.

Currencies: nơi chứa toàn bộ sự kiện liên quan đến 9 cặp tiền được Forex Factory liệt kê tại đây. Nếu quan tâm đến cặp tiền nào nhất bạn có thể để lại, không có thể loại bỏ bớt. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ nên giữ nguyên, vì các cặp tiền này đều có sự liên kết gây ảnh hưởng lẫn nhau.

Event Types: Các dạng sự kiện thông tin kinh tế quan trọng gây ảnh hưởng tới cặp tiền tệ. Bạn có thể loại bỏ thông tin như Misc, các phần còn lại đều nên giữ. Bởi vì Forex Factory đã có chế độ phân loại sự kiện theo màu sắc ở trên rồi. Nên chỉ cần loại bỏ 3 màu sắc không cần thiết như trên, 2 phần dưới giữ nguyên là được. Sau khi hoàn thành, chỉ cần nhấn “Apply Filter” và đây sẽ là kết quả dành cho bạn:

Vậy là chỉ còn các thông tin quan trọng nhất màu đỏ được hiện ra. Bây giờ, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn 1 số thông tin cơ bản nhất để đọc các sự kiện này nhằm phục vụ cho mục đích giao dịch forex.

Cách đọc thông tin, dữ liệu của 1 sự kiện cụ thể trong Forex Factory Calendar

Rất nhiều trader đến với forex đều theo dạng tay ngang, cho nên khi nhìn vào bảng phía trên, các bạn sẽ gần như không thể đánh giá được tin tức đó có giá trị như thế nào với các cặp tiền tệ. Chính vì thế, Forex Factory đã đưa ra các chú giải ngắn gọn nhất, nhằm giúp mọi người đều có thể hiểu được ý nghĩa của từng sự kiện.

Chỉ cần nhấn vào mục Open Detail, như ở đây chúng tôi đã thử nhấn vào sự kiện liên quan tới “Official Cash Rate” hay Lãi suất cơ bản của đồng NZD, các thông tin sẽ được hiển thị như hình bên dưới:

Forex Factory đã cung cấp rất nhiều thông tin cơ bản để trader hiểu về sự kiện Official Cash Rate bao gồm bình luận từ chính Forex Factory, lãi suất này dùng ở đâu, như thế nào, thời gian diễn ra bao nhiêu lần 1 năm, kỳ tiếp theo là tháng mấy… Nếu không giỏi tiếng Anh, các bạn có thể sử dụng Google dịch để hiểu toàn bộ các tin tức trên bạn nhé.

Các sự kiện quan trọng cần nhớ nhất khi xem lịch kinh tế Forex Factory

  • Lịch họp định kỳ của ủy ban thị trường liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ trực thuộc FED.
  • Bảng lương phi nông nghiệp (NFP): chỉ số Non-farm thường diễn ra vào 19h30 (giờ Việt Nam) vào thứ 6 đầu tiên của tháng. Một trong những tin tức khiến nhiều cho nhiều trader bị rơi vào trạng thái “kẻ khóc người cười”, vì biên độ dao động khi tin ra cực kỳ mạnh. CÁC BẠN TRADER MỚI VÀO NGHỀ NÊN TRÁNH THỜI ĐIỂM 19H30 THỨ SÁU ĐẦU TIÊN CỦA THÁNG, NẾU KHÔNG MUỐN BỊ ĐỔ MÁU NHÉ!
  • Tỷ lệ thất nghiệp (Unemployment rates) ra cùng thời điểm với tin Non-farm
  • Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): công bố theo tháng, quý hay năm
  • Thông báo chính sách tiền tệ hoặc các bài phát biểu về chính sách tiền tệ (Monetary Policy), đặc biệt lưu ý các bài phát biểu của chủ tịch FED hoặc chủ tịch của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới khác.
  • Thông báo quyết định tỷ giá từ ngân hàng trung ương (Official Bank Rate)
  • Final Gross Domestic Product (GDP): Bây giờ sẽ tới 1 phần quan trọng nhất là việc tin tức như trên sẽ ảnh hưởng tới đồng tiền như thế nào, các bạn cần làm gì để đánh giá 1 tin tức.

Hướng dẫn cách đọc 1 sự kiện trong lịch kinh tế Forex Factory

Để đọc 1 sự kiện kinh tế bạn sẽ cần quan tâm đến 3 yếu tố sau:

  • Previous: dữ liệu được công bố vào lần trước
  • Forecast: dữ liệu được chuyên gia dự báo
  • Actual: dữ liệu chuẩn bị được công bố, hay dữ liệu thực tế

Thông thường, vào thời điểm tin ra, trader sẽ quan tâm dữ liệu thực (actual) để so sánh với dữ liệu được dự đoán, nhằm đánh giá cặp tỷ giá đó sẽ tăng hay giảm để biết nên buy hay sell.

Vì USD là đồng tiền có ảnh hưởng tới hầu hết các sự kiện, nên chúng tôi sẽ lấy ví dụ với các cặp tiền có chứa USD giả sử là XXX/USD (XXX là 1 loại tiền tệ nào đó) cho các bạn dễ hiểu hơn.

  • Nếu tin ra dự báo tốt cho đồng USD, ở đây USD đứng đằng sau sẽ khiến USD tăng giá, đồng nghĩa sẽ làm cho tỷ giá tiền tệ XXX/USD giảm.
  • Nếu con số thực tế xấu hơn so với dự báo làm cho USD giảm, đồng nghĩa sẽ làm cho tỷ giá tiền tệ XXX/USD tăng.

Một ví dụ cụ thể để bạn hiểu hơn về vấn đề này.

Vào ngày 1/11/2019 cũng là thứ 6 đầu tiên của tháng 11, nên vào lúc 19h30 sẽ diễn ra sự kiện Non-farm. Như bạn thấy con số thực tế (128k) tăng hơn rất nhiều so với con số dự báo (90k). Điều này đã làm cho USD tăng, khi USD tăng thì sẽ làm cho vàng hay XAU/USD giảm. Và đây là kết quả, vàng đã giảm từ 1511 xuống 1504 tương đương 70 pip chỉ trong 1 cây nến M30!

Tất nhiên cái này chỉ là lý thuyết, không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp. Nhưng các bạn có thể dựa vào đây để tự lý giải hoặc hiểu vì sao cặp tỷ giá đó lại giảm mạnh hoặc tăng mạnh như vậy.

Hướng dẫn cách xem tin trên Forex Factory (ForexFactory News)

Ngoài việc xem lịch kinh tế, các tin tức có trên Forex Factory luôn được cập nhật hàng ngày và rất nhanh chóng, được lấy từ những nguồn uy tín và chất lượng, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng và đọc tin từ đây. Và nên luyện nó như 1 phản xạ, ngoài việc đọc tin từ các nguồn khác như CNN, Bloomberg hay Reuters.

Để đọc tin bạn nhấn vào chữ News, sẽ có rất nhiều mục khác nhau được sắp xếp theo từng phần như:

  • News / Latest Stories: Những tin tức mới nhất
  • News / Hottest Stories: các tin tức nóng nhất, hot nhất
  • Fundamental Analysis / Most Viewed 12H: các bài phân tích cơ bản
  • News / Latest Liked: Phần tin tức vừa mới được nhận thêm lượt yêu thích
  • Entertainment News / Latest Stories: Các tin giải trí mới nhất
  • Educational News / Latest Story: Tin liên quan đến giao dịch mới nhất
  • Breaking News / Most Viewed 12H: Các tin “sốt dẻo” được đọc nhiều nhất trong 12h vừa qua
  • Technical Analysis / Latest Stories: Phân tích kỹ thuật
  • Forex Industry News / Latest Story: Tin tức liên quan đến ngành công nghiệp forex

Như vậy, bạn có thể tự lựa chọn phần thích nhất để đọc. Thường các tin tức này đều được lặp lại và trong mỗi phần Forex Factory cũng đánh dấu mức độ, để trader dễ dàng nắm bắt như: các tin màu đỏ là những tin rất quan trọng có thể gây ảnh hưởng tới thị trường forex, những tin màu vàng, màu cam thường nhẹ nhàng hơn, không đáng sợ bằng những tin màu đỏ.

Tin tức được Forex Factory đánh dấu màu đỏ là tin liên quan đến lãi suất, liên quan tới phát biểu của chủ tịch hoặc tổng thống Trump phát biểu. Và khi nhìn thấy những tin đó các bạn nên chú ý, nó cũng có thể gây ảnh hưởng rất nhiều tới thị trường tại thời điểm tin ra.

Ngoài ra, như có nói Forex Factory đều bạn tùy biến toàn bộ thông tin này bạn chỉ cần nhấn vào từng mục tin tức muốn tùy biến như bên dưới sẽ xuất hiện ra 1 bảng:

Tại mục Show Category trader tự tùy biến theo ý thích, nếu để mặc định như Forex Factory thì toàn bộ tin tức quan trọng nhất đều hiện ra tại đây. Hay tại mục Sort by, trader cũng có thể lựa chọn tin tức mới nhất (Latest), tin hot nhất hiện tại (Hottest)… Nói chung những cái này bạn cứ thử, trải nghiệm và sử dụng dần dần theo ý muốn của bản thân.

Danh mục Forums trên Forex Factory

Đây cũng là 1 trong những danh mục được nhiều người yêu thích nhất, nhờ vào những chia sẻ kiến thức phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản cùng nhiều thông tin vô cùng hữu ích khác. Không quá khi nói đây thực sự là 1 kho kiến thức đồ sộ mà nếu đào sâu tại đây, có lẽ bạn chẳng cần đi học từ bất cứ ai. Thậm chí, nhiều trader thành danh tại Việt Nam cũng học từ Forex Factory rồi về chia sẻ lại cho nhiều thế hệ trader sau này.

Ngoài những điểm này, Forex Factory còn có rất nhiều điều hay ho khác mà bạn có thể xem xét và sử dụng theo nhu cầu mong muốn. Chỉ đáng tiếc 1 điều hiện Forex Factory không có tiếng Việt. Nơi đây chỉ trao đổi bằng 1 ngôn ngữ duy nhất là tiếng Anh, cho nên bạn buộc phải biết hoặc phải sử dụng Google dịch để hiểu các vấn đề mà những trader khác trao đổi bạn nhé. Chúc các bạn thành công!

➜ Mở Tài Khoản Giao Dịch Miễn Phí Với HFM Ngay Bây Giờ

➜ Hawkish, Dovish là gì?

About Author

CoinVN 98

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *